6244

Bảo hiểm xã hội là gì? Mức đóng, thời gian tham gia và quyền lợi

Tincoin24h
Tincoin24h | 20 Tháng Mười, 2022
8 tháng trước.
5/5 - (2 bình chọn)
Bảo hiểm xã hội là gì

Bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh của Nhà nước, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của hơn 40 triệu người lao động ở Việt Nam. Bạn đã hiểu bảo hiểm xã hội là gì chưa? Mức đóng bảo hiểm xã hội và thời gian tham gia bảo hiểm xã hội như thế nào? Sổ bảo hiểm xã hội là gì? Rút bảo hiểm xã hội ở cơ quan tiếp nhận nào? Cách tra cứu bảo hiểm xã hội như thế nào? Cách tính bảo hiểm xã hội ra sao? Hãy cùng Tincoin24h giải đáp các thắc mắc của bạn.

Bảo hiểm xã hội là gì?

Theo Luật bảo hiểm xã hội 2014, bảo hiểm xã hội (BHXH) là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Các chế độ bảo hiểm xã hội ở Việt Nam hiện nay bao gồm:

a) Chế độ bảo hiểm ốm đau;

b) Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp;

c) Chế độ bảo hiểm thai sản;

d) Chế độ bảo hiểm thất nghiệp;

e) Chế độ hưu trí;

g) Chế độ bảo hiểm y tế

h) Chế độ tử tuất.

Bảo hiểm xã hội là gì? Các chế độ bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội là gì?

Bảo hiểm xã hội có những loại nào?

Bảo hiểm xã hội có 3 loại là bảo hiểm xã hội bắt buộc, tự nguyện và hưu trí bổ sung.

Bảo hiểm xã hội bắt buộc

Khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.

Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động, bao gồm: mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

BHXH bắt buộc bao gồm các chế độ: thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tuổi tuất.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia bảo hiểm được quyền lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với tài chính của mình. Theo Khoản 4, Điều 2 Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không nằm trong nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.

Bảo hiểm hưu trí bổ sung

Theo Khoản 7 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách bảo hiểm xã hội mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật”

Nói cách khác, bảo hiểm hưu trí bổ sung là một chính sách bảo hiểm xã hội hoàn toàn tự nguyện giúp người lao động tạo lập quỹ hưu trí thông qua các hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật. Số tiền bảo hiểm giúp bổ sung thu nhập cho người tham gia quỹ khi đến tuổi về hưu.

>>> Xem thêm: Bảo hiểm hưu trí là gì

Phương thức và mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Căn cứ Điều 87, Luật BHXH Việt Nam 2014 quy định chi tiết mức đóng BHXH tự nguyện cho người lao động như sau: Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Với hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện thì người lao động được chọn một trong các phương thức đóng sau đây:

a) Hằng tháng;

b) 03 tháng một lần;

c) 06 tháng một lần;

d) 12 tháng một lần;

đ) Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định tại Điều này.

Quyền và nghĩa vụ của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội

Quyền của người lao động

Điều 18, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH như sau:

1. Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.

2. Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.

3. Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:

a) Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền;

b) Thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng;

c) Thông qua người sử dụng lao động.

4. Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:

a) Đang hưởng lương hưu;

b) Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;

c) Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;

d) Đang hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.

5. Được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 45 của Luật này và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội.

6. Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

7. Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội; định kỳ hằng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

8. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ của người lao động

Để hưởng những quyền lợi nêu trên, người lao động cần phải thực hiện những nghĩa vụ của mình.  Điều 19, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định cụ thể trách nhiệm của người lao động khi tham gia BHXH như sau:

1. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.

2. Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm xã hội.

3. Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội.

Quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động về bảo hiểm xã hội

Quyền của người sử dụng lao động

Người sử dụng lao động có những quyền sau:

  • Từ chối thực hiện những yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
  • Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của người sử dụng lao động

  • Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
  • Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.
  • Giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định của Luật bảo hiểm xã hội đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.
  • Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.
  • Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
  • Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.
  • Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.
  • Hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định.

Lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội hiện được nhiều người quan tâm và tham gia bởi khi đóng bảo hiểm đầy đủ và thực hiện các nghĩa vụ thì người tham gia sẽ được:

  • Hưởng thời gian và chế độ khi bản thân hoặc con ốm đau.
  • Hưởng thời gian và chế độ khi thai sản, sinh con.
  • Thời gian hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi.
  • Hưởng chế độ tai nạn lao động, chế độ bệnh nghề nghiệp.
  • Hưởng chế độ lương hưu.
  • Hưởng chế độ trợ cấp mai táng, hưởng tiền tuất.

Cách tính bảo hiểm xã hội 1 lần năm 2021

Điều kiện để được nhận bảo hiểm xã hội 1 lần

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 và khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 sửa đổi từ Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 người tham gia BHXH được nhận BHXH 1 lần trong 6 trường hợp sau:

  • Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH;
  • Đủ 55 tuổi mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện (đối với lao động nữ hoạt động ở xã, phường, thị trấn);
  • Ra nước ngoài để định cư;
  • Người đang bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
  • Công an, bộ đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu;
  • Người tham gia BHXH bắt buộc sau 01 năm nghỉ việc hoặc tham gia BHXH tự nguyện sau 01 năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng (theo Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13).

Công thức tính bảo hiểm xã hội 1 lần

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP về cách tính bảo hiểm xã hội 1 lần dựa trên số năm tham gia BHXH, cứ mỗi năm được tính với mức:

  • 1.5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước 2014;
  • 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ 2014 trở đi.

Áp dụng Điều 19 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, số tiền BHXH 1 lần được xác định theo công thức:

Mức hưởng = (1,5 x MBQTL x Thời gian đóng BHXH trước năm 2014) + (2 x MBQTL x Thời gian đóng BHXH sau năm 2014)

Trong đó:

  • Nếu thời gian đóng BHXH lẻ tháng thì từ 1 – 6 tháng được tính là nửa năm và từ 7 – 11 tháng được tính là 1 năm. Nếu trường hợp tháng lẻ rơi vào giai đoạn trước ngày 01/01/2014 thì các tháng lẻ đó được chuyển sang tính cho giai đoạn từ 01/01/2014 trở đi
  • Mức bình quân tiền lương lương (MBQTL) tháng đóng BHXH được tính theo công thức

MBQTL = (Số tháng đóng BHXH x Tiền lương tháng đóng BHXH x Mức điều chỉnh hàng năm) ÷ Tổng số tháng đóng BHXH

Tại Điều 2 Thông tư 23/2020/TT-BLĐTBXH nêu rõ mức điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động áp dụng từ 01/01/2021 đến hết 31/12/2021 như sau:

Bảo hiểm xã hội là gì? Mức đóng bảo hiểm xã hội dựa trên tiền lương tháng 2021
Mức điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH 2021 (Nguồn: Internet)

Lưu ý: Nếu người lao động đóng BHXH chưa đủ 1 năm thì mức hưởng BHXH 1 lần được tính bằng 22% số tiền lương tháng đã đóng BHXH. Mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Cách tra cứu bảo hiểm xã hội đơn giản, nhanh chóng 2021

Theo Khoản 13, Điều 2, Quyết định 595/QĐ-BHXH, mã số bảo hiểm xã hội (bao gồm 10 chữ số) là mã số định danh cho người tham gia do cơ quan BHXH Việt Nam cấp. Công dụng của mã này giúp người tham gia tra cứu được quá trình tham gia các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… Cùng tham khảo ngay 3 cách tra cứu bảo hiểm xã hội đơn giản, nhanh chóng 2021.

Cách 1: Cách tra cứu bảo hiểm xã hội trên website baohiemxahoi.gov.vn

Bước 1: Truy cập trang tra cứu

Truy cập theo đường dẫn https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/tra-cuu-ho-gia-dinh.aspx trên máy tính hoặc điện thoại hoặc máy tính bảng

Bước 2: Điền thông tin người muốn tra cứu

Bước 3: Xác nhận “Tôi không phải là người máy”

Bước 4: Xem kết quả thông tin tra cứu

Các thông tin tra cứu bao gồm mã số BHXH, họ tên người tham gia, giới tính.

Cách tra cứu bảo hiểm xã hội trên website baohiemxahoi.gov.vn
Cách tra cứu bảo hiểm xã hội trên website baohiemxahoi.gov.vn (Nguồn: Internet)

Cách 2: Cách tra cứu bảo hiểm xã hội bằng việc xem mã số trên thẻ bảo hiểm y tế

Để biết được mã số bảo hiểm xã hội của mình thuận tiện cho việc tra cứu, bạn có thể xem nhanh trên thẻ BHYT của mình. 10 ký tự (số) cuối trên mã số thẻ BHYT chính là mã số BHXH của người tham gia.

Cách tra cứu bảo hiểm xã hội bằng việc xem mã số trên thẻ bảo hiểm y tế
Cách tra cứu bảo hiểm xã hội bằng việc xem mã số trên thẻ bảo hiểm y tế (Nguồn: Internet)

Cách 3: Cách tra cứu bảo hiểm xã hội bằng việc xem trên bìa sổ bảo hiểm xã hội

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định từ ngày 01/01/2016, người lao động sẽ tự giữ và bảo quản sổ bảo hiểm xã hội của mình (thay vì do người sử dụng lao động giữ như trước đây). Do đó, một cách tra cứu bảo hiểm xã hội khác là bạn có thể xem ngay mã số BHXH được in trên trang bìa.

Cách tra cứu bảo hiểm xã hội bằng việc xem trên bìa sổ bảo hiểm xã hội
Cách tra cứu bảo hiểm xã hội bằng việc xem trên bìa sổ bảo hiểm xã hội (Nguồn: Internet)

Bảo hiểm xã hội là gì hẳn bạn đã có câu trả lời qua những thông tin bổ ích mà Tincoin24h đã chia sẻ trên đây. Nắm rõ những thông tin về bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi của mình. Nếu có thắc mắc gì hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp nhé!

Thêm bình luận của bạn

Vui lòng nhập đầy đủ thông tin để đăng bình luận
Email không hợp lệ!
Xem tất cả bình luận (0)

Bạn muốn thêm thông tin?

Tham gia ngay Bitcoin Tin Tức và nhận tín hiệu giao dịch, một khóa học Trading và giao lưu với cộng đồng fan crypto hàng ngày!

Bạn thấy bài viết này có hữu ích không?